Author:
Update: 06/12/2022

TÍCH HỢP LOGISTICS NGƯỢC VÀ CHUỖI CUNG ỨNG

Logistics ngược hay logistics thu hồi (reverse logistics) và chuỗi cung ứng xanh (green supply chain) là những xu hướng phát triển đáng quan tâm trong thời gian gần đây, nhưng là những khái niệm khá mới mẻ tại VN. Trong thực tế, nhiều DN không biết vận dụng logistics ngược vào quá trình xây dựng chuỗi cung ứng xanh như thế nào.

1. Logistics ngược

Theo Rogers và Tibben – Lembke (1999), logistics ngược là quá trình lập kế hoạch, thực hiện và kiểm soát một cách hiệu quả dòng chảy của nguyên liệu, bán thành phẩm và thông tin có liên quan từ các điểm tiêu thụ đến điểm xuất xứ, với mục đích thu hồi lại giá trị hoặc xử lý một cách thích hợp. Như vậy, logistics ngược bao gồm toàn bộ những hoạt động logistics của dây chuyền cung ứng, nhưng vận hành theo chu trình ngược lại. Khái niệm này đề cập đến chức năng của logistics trong việc thu hồi lại hàng hóa, tái chế, thay thế và tái sử dụng lại các nguyên vật liệu, làm mới, sửa chữa, thay thế thiết bị hoặc phục hồi sản phẩm bởi các lý do không kiểm soát được như hỏng hóc, tồn kho mùa vụ, thay thế hàng, do lỗi bảo hành hoặc tỷ lệ tồn kho quá cao.

Quy trình logistics ngược thường được thực hiện theo 4 giai đoạn. Thứ nhất, tập hợp các sản phẩm không bán được, sản phẩm khuyết tật hay bao bì. Tiếp đó, DN triển khai bước kiểm tra chất lượng sản phẩm, chọn lọc và phân loại sản phẩm. Bước ba, xử lý bằng cách tái sử dụng, bán lại, phục hồi sản phẩm hay chuyển thành rác thải. Bước cuối cùng là phân phối lại sản phẩm đã phục hồi. Giai đoạn này đề cập đến các hoạt động logistics để đưa lại sản phẩm vào thị trường và chuyển nó cho khách hàng như các hoạt động dự trữ, bán hàng và vận chuyển.

Thực ra, điều kiện tốt nhất là không có sự thu hồi. Tuy nhiên, trong thực tế, việc thu hồi hàng hóa là một vấn đề còn tồn tại phổ biến của các nhà sản xuất, các trung gian phân phối cũng như các nhà cung cấp dịch vụ logistics. Người ta phải thu hồi các sản phẩm không bán được để nâng cấp, các sản phẩm có khuyết tật để sửa chữa, các sản phẩm đã sử dụng để tháo dỡ hay tái sử dụng một phần, thu hồi và tái sử dụng bao bì. Những hoạt động đó giúp thỏa mãn tốt hơn nhu cầu của khách hàng, làm cho vòng quay hàng hóa trở nên nhanh hơn, giải phóng được lượng hàng tồn kho, tạo ra những lợi thế về mặt tài chính cho toàn bộ chuỗi cung ứng. Do đó, logistics ngược là một trong những phương thức giúp giảm chi phí, tăng doanh thu và nâng cao dịch vụ khách hàng, từ đó giúp công ty giành được lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Nhiều công ty đã quan tâm đầu tư nhiều hơn vào các chương trình logistics ngược bởi họ nhận thức được khoản đầu tư đó thấp hơn nhiều các chi phí xử lý hàng hóa bị trả lại không kiểm soát được.

2. Chuỗi cung ứng xanh

Chuỗi cung ứng xanh là quá trình sử dụng đầu vào thân thiện với môi trường và biến các sản phẩm phụ của quá trình sử dụng thành thứ có thể cải thiện hay tái chế được trong môi trường hiện tại. Quá trình này giúp cho các sản phẩm đầu ra và các sản phẩm phụ có thể được tái sử dụng khi kết thúc vòng đời của chúng và như vậy sẽ tạo ra một chuỗi cung ứng bền vững để giảm chi phí và thân thiện với môi trường.

Những quốc gia, DN và nhà đầu tư có tầm nhìn xa đều có thể đi tiên phong và góp phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh hơn. Ở góc độ quốc gia, chuỗi cung ứng xanh cùng với khái niệm “mua sắm công xanh” là động lực chủ yếu cho tăng trưởng xanh. Ở góc độ DN, chuỗi cung ứng xanh nằm trong chiến lược đầu tư xanh, tức là tạo ra một mô hình kinh doanh cạnh tranh hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo thân thiện với môi trường và sử dụng hiệu quả nguồn lực sinh thái tự nhiên.

Để có hiệu quả, chuỗi cung ứng xanh cần được thực hiện trong tất cả các giai đoạn, từ khi lập kế hoạch, tìm nguồn cung ứng, sản xuất, cho đến khi xuất hàng hóa thành phẩm. Giai đoạn tìm nguồn cung ứng bao gồm việc hợp tác với các nhà cung cấp trong thiết kế các sản phẩm xanh. Trong giai đoạn sản xuất, DN có thể triển khai từ giải pháp “thiết kế xanh”, tức là kết hợp việc xem xét khía cạnh môi trường vào công tác thiết kế và phát triển sản phẩm để mang lại giá trị “xanh” cho khách hàng, thiết kế bao gói “xanh”, cho đến cải tiến xanh trong quản lý và vận hành kho. Giai đoạn xuất hàng hóa, DN đặt trọng tâm vào việc xây dựng hệ thống vận tải xanh.

3. Tích hợp logistics ngược vào chuỗi cung ứng xanh

Ngoài vấn đề tăng chi phí, thách thức lớn nhất trong quá trình phát triển chuỗi cung ứng bền vững (Sustainable Supply Chain) của DN là đương đầu với những phức tạp mới phát sinh. Nghiên cứu và phát triển các mô hình và quan điểm mới để nắm bắt và giải quyết những phức tạp đó là cần thiết. Chẳng hạn, năm 2012, các tác giả N.Mishra, V.Kumar và F.T.S.Chan đã đề xuất một cấu trúc đa nhân tố cho việc tích hợp logistics ngược vào chuỗi cung ứng xanh (Hình). Trong cấu trúc đó, bộ phận logistics ngược phối hợp với các trung tâm phân phối nhằm rà soát các sản phẩm khiếm khuyết hay đã qua sử dụng, phân loại thành các sản phẩm đưa vào tái chế, sử dụng lại hay sử dụng một lần, tiếp tục chuyển vào kho và đưa vào sản xuất. Như vậy, logistics ngược đóng vai trò một trung tâm điều phối, rà soát bao bì, xử lý chất thải, tiêu thụ nhiên liệu và các yếu tố liên quan ở các bước khác nhau của các quá trình chuyển tiếp, tái chế và tái sản xuất hàng hóa trong chuỗi cung ứng xanh.

Qua cấu trúc này, có thể thấy quan điểm và xu hướng mới mà DN cần quan tâm không chỉ dựa trên khái niệm năng suất mà còn dựa vào đánh giá vòng đời của sản phẩm và dịch vụ. Sự thay đổi căn bản này giúp cải thiện cả quá trình, bằng việc phát triển sản phẩm, tăng cường năng suất và làm thay đổi hình ảnh của công ty trước khách hàng, do đó cải thiện hình ảnh và chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng. Hơn thế nữa, nó sẽ giúp DN đón đầu xu thế ra đời của các quy định và tiêu chuẩn quốc tế về môi trường và kinh doanh xanh đang ngày càng trở nên nghiêm ngặt hơn.

 – Theo Ts. Bùi Văn Danh – Ths. Lưu Thị Thu Hà

Admin Meksmart