Số hóa và khu vực hóa chuỗi cung ứng đồng thời phát triển logistics xanh... là các xu hướng logistics xuyên biên giới năm 2022, theo Global Trade.
Chuỗi cung ứng toàn cầu và các hoạt động logistics đối mặt với nhiều thách thức do đại dịch. Dưới đây là một số xu hướng trong hoạt động logistics xuyên biên giới năm 2022.
1. Số hóa dữ liệu trên toàn bộ chuỗi cung ứng
Đại dịch đã thúc đẩy các doanh nghiệp logistics áp dụng các nền tảng kỹ thuật số giúp quy trình làm việc trở nên tự động bằng cách tích hợp và hiển thị dữ liệu trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Theo báo của Alloy Technologies, 92% giám đốc điều hành cho rằng khả năng hiển thị chuỗi cung ứng là quan trọng để thành công. Tuy nhiên, chỉ 27% đã tìm ra cách để đạt được điều đó. Thay vì sử dụng các phần mềm rời rạc để quản lý từng khâu, các doanh nghiệp có thể chuyển sang nền tảng số hóa và tích hợp dữ liệu trên toàn bộ chuỗi cung ứng. Điều này làm hoạt động vận hành trở nên trơn tru và tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Công nghệ blockchain có thể được sử dụng để tích hợp tất cả các thành phần chuỗi cung ứng trên một nền tảng để mang lại sự minh bạch hơn trong quy trình.
2. Thay đổi chiến lược lựa chọn đối tác
Sau đại dịch, các công ty lĩnh vực logistics xuyên biên giới quyết định hợp tác dựa trên khả năng phục hồi và thích ứng của doanh nghiệp. Việc số hóa hoạt động logistics giúp quy trình trao đổi thông tin và khả năng hiển thị dữ liệu hiệu quả hơn. Các công ty có xu hướng lựa chọn đối tác cẩn thận hơn dựa trên sự thấu hiểu doanh nghiệp và nền tảng công nghệ.
3. Khu vực hóa chuỗi cung ứng
Nhiều công ty bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn chuỗi cung ứng do Covid-19. Chính vì vậy, một xu hướng trong hoạt động logistics xuyên biên giới 2022 là tìm kiếm các doanh nghiệp ở gần hơn để tiết kiệm chi phí và hạn chế sự ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Báo cáo của McKinsey về tác động của Covid-19 lên tâm lý kinh tế toàn cầu chỉ ra sự mất ổn định và lạm phát là mối đe dọa lớn nhất với sự tăng trưởng công ty và nền kinh tế. Theo ông Anaid Chacón, Giám đốc Nuvocargo, các công ty đã hiểu được tầm quan trọng của việc thích ứng nhanh và vững vàng để phát triển trong điều kiện đầy biến động. Một số hoạt động của doanh nghiệp có thể thực hiện là tái cấu trúc cốt lõi kinh doanh, triển khai công nghệ, khu vực hóa đối tác.
4. Áp dụng công nghệ giải quyết việc thiếu tài xế
Theo Hiệp hội Vận tải Mỹ (ATA), để bắt kịp với nhu cầu kinh tế hiện nay, cần hơn một triệu tài xế xe tải gia nhập ngành này. Báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải Mỹ năm 2019 thống kê 28% lực lượng lái xe tải hạng nặng sẽ trên 65 tuổi trong 10 năm tới. Điều đó đồng nghĩa các công ty vận tải cần có nhiều chính sách để thu hút nhân lực trẻ và phụ nữ vì độ tuổi tài xế trung bình hiện nay tại Mỹ là 48 tuổi.
Bên cạnh đó, các giải pháp dựa trên tự động hóa quy trình hoặc hệ thống tự phục vụ với khách hàng giúp giải quyết tình trạng thiếu lao động. Giải pháp về xe tải tự lái đang được áp dụng phổ biến hơn khi các tuyến vận tải lớn bắt đầu đưa vào thử nghiệm để kiểm tra về hiệu quả và chi phí.
5. Giải pháp tài chính cho chuỗi cung ứng
Việc thường xuyên đưa ra các giải pháp thay thế giúp gia tăng năng lực và duy trì chuỗi cung ứng hoạt động từ đó cải thiện được dòng tiền và các hoạt động đầu tư. Cải thiện sản phẩm để huy động được các nguồn đầu tư và tài trợ là giải pháp cho việc biến động của dòng tiền và đáp ứng được các nhu cầu tăng đột biến.
6. Chuỗi cung ứng xanh hơn
Các công ty vận tải đang nỗ lực để cải thiện môi trường bằng việc giảm thiểu các ảnh hưởng từ hoạt động logistics. Một số giải pháp được triển khai gồm áp dụng các nhà kho thân thiện với môi trường dựa trên hệ thống quản lý năng lượng tiên tiến, lập kế hoạch chuỗi cung ứng thông minh... Trong tương lai, những sáng kiến giúp giảm tác động đến môi trường trong hoạt động logistics sẽ tiếp tục được phát triển và cải thiện.
Nguồn: vnexpress.net